Tiểu sử Hám Sơn Đức Thanh

Đại sư Hám Sơn tên tục là Thái Đức Thanh, hiệu Trừng Ấn. Sư sinh ngày 5 tháng 11 năm 1546 tại Toàn Tiêu, Kim Lăng (nay là tỉnh An Huy). Vào sinh nhật đầu tiên (thôi nôi) sư đột nhiên bị bệnh trầm kha không chữa nổi, mẹ sư đã phát nguyện với bồ tát Quán Thế Âm tại chùa là nếu sư thoát chết thì sẽ cho sư được xuất gia. Quả nhiên bệnh thuyên giảm. Thuở thơ ấu sư rất thường tư lự về nguyên nhân của vòng sinh tử. Trong suốt cuộc đời mình sư hay bị ốm yếu và bị các mụt nhọt lớn hành hạ.

Năm 11 tuổi, sư thuyết phục được người cha vốn không muốn cho con mình đi tu cho phép làm một sa di tại chùa Báo Ân nhưng sư vẫn chưa được chính thức xuất gia. Tại đây sư theo pháp sư Tây Lâm Vĩnh Ninh học tập kinh điển Phật giáo và còn học thông cả Nho giáo, Đạo giáo.

Năm 19 tuổi, sư mới được chính thức xuất gia. Sau sư đến tham học với Thiền sư Vân Cốc Pháp Hội ở chùa Thê Hà. Nhân đọc được quảng lục của Thiền sư Trung Phong Minh Bản, sư quyết chí tu theo Thiền tông. Sau đó sư trở lại chùa Báo Ân thọ giới cụ túc với pháp sư Vô Cực Minh Tín. Tại đây, sư nghe pháp sư Vô Cực giảng luận Hoa Nghiêm Huyền Đàm và vì cảm mộ đức hạnh của ngài Thanh Lương Trừng Quán nên lấy hiệu là Trừng Quán.

Năm 20 tuổi, sư quay lại tham yết ngài Vân Cốc và được trao công án "Niệm Phật là ai?". Từ đó sư chuyên tâm tham cứu thoại đầu.

Năm 21 tuổi, chùa Báo Ân bị sét đánh khiến cháy rụi. Sư đã nỗ lực thuyết pháp, dẫn chúng và hóa duyên tịnh tài trong vài năm để dựng lại chùa Báo Ân.

Bắt đầu từ năm 1571, sư vân du nhiều nơi, đến tham viếng các trường giảng dạy Phật pháp ở kinh đô và nghiên cứu nhiều chủ đề Phật giáo khác nhau như Thiền tông, Tịnh Độ tông, Pháp tướng tông. Năm 1573, sư lên núi Ngũ Đài tĩnh tu, thấy cảnh ngọn núi Hám Sơn kỳ vĩ, thanh thoát nên lấy hiệu là Hám Sơn. Sau sư quay lại Bắc Kinh và đọc các tác phẩm của Pháp sư Tăng Triệu, tại đây sư đã đạt được sự tỉnh thức sâu sắc về tính bất nhị của vạn vật. Về sau sư đã viết Triệu Luận Chú để chú thích quyển Triệu Luận dựa trên kinh nghiệm tu hành của mình.

Năm 1575, sư đến núi Ngũ Đài và ẩn tu tại một ngôi miếu hoang. Nhân một hôm đi hành kinh rồi nhập đại định. Sư không còn thấy thân tâm mình ở đâu nữa. Việc đạt được kiến tính khiến sư viết lên bài kệ:

Khoảnh khắc nhất niệm, tâm cuồng ngưngCăn trần nội ngoại, đều thấu suốtThân bay độc phá, thái hư khôngVạn tượng sum la, từ đây diệt.

Vì Thiền sư Vân Cốc đã thị tịch không có người ấn chứng nên sư đọc kinh Lăng Nghiêm trong vòng 8 tháng để tự ấn chứng.

Năm 1577, sư tự trích máu chép kinh Hoa Nghiêm. Thái hậu Hiếu Định sau khi biết chuyện đã cúng dường giấy vàng để sư chép kinh, đây cũng là sự khởi đầu cho mối quan hệ thân thiết nhưng phức tạp giữa sư và thái hậu. Việc sao chép kinh mất hai năm và chính thức được công bố vào năm 1581. Theo truyền thuyết, trong thời gian chép kinh, sư đã có nhiều giấc mơ mà trong đó sư gặp được Tổ sư Hoa Nghiêm tông - Pháp sư Thanh Lương Trừng Quán, Bồ tát Di-lặc, Bồ tát Văn-thù-sư-lợi.

Đến năm 1595, nhân một vu cáo vì tranh chấp đất đai chùa Hải Ấn, sư bị giam cầm tra tấn ép cung dã man bắt sư nhận tội lấy 3000 lạng vàng công quỹ nhưng số tiền đó đã được chứng minh qua sổ sách triều đinh là được dùng trong việc cứu đói ở Sơn Đông (1593). Sau cùng, sư chỉ bị xử tội xây chùa trái phép, sư bị buộc hoàn tục lưu đày đến Lôi Châu (thuộc biên giới tỉnh Quảng Châu) vào tháng 11 năm 1596.

Trong lúc bị lưu đày, mặc dù đã hoàn tục nhưng sư vẫn tiếp tục công việc giảng pháp, chú giải và in ấn kinh sách Phật giáo. Cũng tại Quảng Châu, sư đã tiến hành giải hòa cho một xung đột có thể gây chết nhiều sinh linh giữa người Quảng Đông và các lái buôn Phúc Kiến. Nhờ việc này mà sư được tổng đốc Quảng Châu cho phép về và trùng tu lại Tổ đình Thiền tông ở Tào Khê (nơi Lục Tổ Huệ Năng đã từng hoằng pháp).

Năm 1606, nhân việc Thái tử nhà Minh sinh con trai, sư được tạm thời xá tội. Trong lúc này, sư vẫn phải ở lại tiếp tục hoằng pháp tại Tào khê và Quảng Đông cho đến khi lệnh chính thức ân xá ban (1610). Sau đó, sư đến Khuôn Sơn. Năm 1614, sư cạo tóc và sử dụng lại cà sa.

Năm 1622, sư về chùa Hoa Nam Tào Khê và thị tịch tại đó nhằm ngày 5 tháng 11.

Liên quan

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Hám Sơn Đức Thanh http://www.niemphat.net/thanhhien/hamsondaisu.htm http://www.thuvienhoasen.org/hamson-00.htm http://www.budsas.org/uni/u-thien_ng/03.htm http://www.thezensite.com/ZenTeachings/TheAutobiog... http://www.abuddhistlibrary.com/Buddhism/C%20-%20Z... http://www.brown.edu/Students/Buddhism_Society/pra... https://web.archive.org/web/20061014032305/http://... https://web.archive.org/web/20070311162029/http://... https://web.archive.org/web/20060711205448/http://... https://web.archive.org/web/20060506175931/http://...